Tẩy độc, tăng cường sức khỏe
Chia sẻ niềm vui khi đến Trung tâm ngày 19-2, Phó GS,TS Nguyễn Hoàng Thanh, Chủ nhiệm khoa máu độc xạ - bệnh nghề nghiệp thuộc Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y cho biết: “Phương pháp sử dụng ở đây cũng như ở chỗ chúng tôi, đó là điều trị dựa trên nguyên lý giải độc không đặc hiệu thông qua đường tiết mồ hôi, tiêu hóa, tiết niệu bằng phương pháp xông hơi cổ truyền Việt Nam kết hợp với việc uống các loại vitamin để thải độc bên trong cơ thể, cải thiện, tăng cường sức khỏe cho các nạn nhân da cam”.
Ông Thanh nói thêm, qua đánh giá sơ bộ kết quả xét nghiệm thu được từ những xét nghiệm trước và sau khi các nạn nhân da cam được áp dụng phương pháp điều trị này cho thấy kết quả khử độc rất khả quan. Ngoài ra, đây cũng là phương pháp tăng cường sức khỏe rất hiệu quả trên những người bình thường. “Cơ thể chúng ta hằng ngày chịu ảnh hưởng của nhiều độc tố từ môi trường, ăn uống, thuốc men… Bởi vậy, qua đánh giá chủ quan trên những người đã tham gia vào quá trình này tại Bệnh viện Quân y 103 thì sức khỏe được cải thiện rất tốt, ăn ngon, ngủ được, tăng cân và một số bệnh mãn tính giảm đi nhiều”, ông Thanh cho biết.
Hiện Trung tâm có 4 y, bác sĩ đã được đưa đi đào tạo tại Trung tâm khử độc tố dioxin cho các NNCĐDC thuộc Hội NNCĐDC tỉnh Thái Bình, là Trung tâm xông hơi, khử độc đầu tiên tại Việt Nam, điều trị theo phương pháp Hubbard. Để điều trị theo phương pháp này, hằng ngày các bệnh nhân phải có mặt từ 6 giờ để được cấp thuốc, chạy bộ, xông hơi, tắm, tiếp tục uống thuốc. Toàn bộ quy trình kéo dài từ 4-5 giờ. Tất cả đều tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt. Cơ chế của phương pháp này là uống vitamin, tạo cho nhịp tim nhanh hơn, đẩy thuốc ngấm vào các ngóc ngách trong cơ thể để đẩy tất cả các chất bẩn, mỡ bẩn nằm sâu trong cơ thể đưa ra vòng tuần hoàn đẩy ra ngoài. Giữa quá trình tắm và xông hơi, người tham gia chương trình được uống nước để bù nước và ăn trái cây. Toàn bộ quá trình đều có sự theo dõi chặt chẽ của các y, bác sĩ và nhân viên quản trị chương trình. “Ở đây, trước khi tham gia chương trình, mọi người đều phải đo mạch và huyết áp, làm các xét nghiệm máu cơ bản. Đặc biệt, không ai được uống rượu, bia hoặc bất kỳ loại thuốc gì ngoài vitamin và dầu mà bác sĩ chỉ định uống. Ngoài ra, trong quá trình tham gia khử độc, mọi người không phải ăn kiêng mà vẫn bảo đảm chế độ ăn như bình thường”, bác sĩ Phạm Kiều Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết.
Không ảnh hưởng môi trường
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Đà Nẵng khẳng định, đơn vị đã đầu tư xây dựng hệ thống bể chứa xử lý nước thải trước khi ra ngoài môi trường nên sẽ không có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Qua quá trình xây dựng, Trung tâm được sự tài trợ của Quỹ Harris Freeman Foundation với trị giá hơn 108.000 USD. Tuy nhiên, theo bà Hiền, kinh phí xây dựng đã vượt so với số tiền tài trợ này. “Đây là công trình mang nhiều ý nghĩa, góp phần giúp NNCĐDC và các đối tượng xã hội được thải độc để phục hồi và nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng nên chúng tôi phải cố gắng để hoàn thành”, bà Hiền nói.
Được biết, hiện trên địa bàn Đà Nẵng có hơn 5.000 người là NNCĐDC tại cộng đồng, trong đó có hơn 1.400 trẻ em và gần 200 nạn nhân đang sinh hoạt, học tập tại 3 cơ sở thuộc Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng.
Tháng 9 năm ngoái, sau hơn 30 ngày điều trị tẩy độc tại Bệnh viện Quân y 103, 24 nạn nhân dioxin thành phố Đà Nẵng đã hồi phục sức khỏe bằng phương pháp khử độc tố Hubbard. Giờ đây, NNCĐDC và những người dân Đà Nẵng không phải đi xa mà đã có thể cải thiện sức khỏe trên chính mảnh đất của mình.
Theo ĐNĐT